4 thách thức buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tư duy lại mô hình sản xuất, chế biến

Trong số 4 thách thức mà ngành gỗ phải giải quyết sớm thì nổi bật là tính cạnh tranh sản xuất tại VN tăng cao do các DN FDI tham gia thị trường Việt Nam ngày càng lớn.

4 thách thức mới

Theo số liệu từ Tổng cục lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2019 đạt 1,031 tỷ USD, tăng 16% so với với cùng kỳ 2018, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.

Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. 5 thị trường chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ hy vọng sớm hoàn thành chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 lên 11 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2018.

Tuy nhiên, ghi nhận từ phía các nhà máy lại thấy, nổi lên 4 thách thức mà ngành gỗ phải giải quyết sớm. Trong đó, nổi bật là tính cạnh tranh sản xuất tại VN tăng cao do các DN FDI tham gia thị trường Việt Nam ngày càng lớn.

4 thách thức buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tư duy lại mô hình sản xuất, chế biến 1

Dịch chuyển đơn hàng từ thương chiến Mỹ Trung khiến lượng khách hàng mới gia tăng vào Việt Nam. Các DN năng động, chủ động hay làm công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng tốt có thể nhận được nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, lượng đặt hàng trên mỗi khách hàng cũ giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng nội thất thế giới bắt đầu chững lại.

Sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do, Ngành đang thu hút rất nhiều DN quốc tế. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, chiếm trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ.

Thách thức thứ hai là tình trạng khan hiếm lao động do làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam quá nhanh và nhiều. Theo các DN sản xuất, làn sóng FDI đã góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10 đến 20% nhưng DN vẫn rất khó để tuyển người.

Thách thức thứ ba là năng suất lao động của DN VN khá thấp, được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực ASEAN. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3,39/10 điểm, xếp thứ 73/133 quốc gia được xếp hạng.

Con số này tương ứng với đánh giá từ Bộ Lao động và Thương binh Xã hội. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. So sánh, mức lương trả cho nhân công Đức, Ý cao gấp 10 lần, Trung Quốc cao gấp 3 lần Việt Nam nhưng họ vẫn sản xuất cạnh tranh hơn DN Việt.

Thách thức cuối cùng là nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng… Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu lan vào ngành nội thất làm thay đổi rất lớn công nghiệp thiết kế sản phẩm và cách sản xuất ra nó.

4 thách thức buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tư duy lại mô hình sản xuất, chế biến 2

Bốn thách thức trên cho thấy, cùng lúc, DN chế biến gỗ Việt Nam phải đối diện với nhiều nhiệm vụ. Một mặt, vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám… để có thể giữ và đón khách hàng mới. Mặt khác, phải linh hoạt, phải thêm lợi thế cạnh tranh để trụ vững và đón đầu những thay đổi trong tương lai. Bài toán mà DN chế biến gỗ Việt Nam đang đối mặt không đơn giản.

“DN trong ngành cần có một tầm nhìn mới, một tư duy sâu. Chìa khóa để cùng lúc giải hai bài toán ấy là tư duy lại mô hình sản xuất của mình, ứng dụng công nghệ để gia tăng nội lực”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận định.

 

Theo ông Khanh, với sự tiến bộ của kỹ thuật sản xuất chính xác CNC, kết hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot… công nghệ chế biến gỗ đang tiến đến những bước phát triển đáng ngạc nhiên, mang lại cho DN rất nhiều cơ hội cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, bùng nổ sản xuất…

Nếu định hướng phát triển tốt, hoạch định đầu tư hiệu quả, DN sẽ khai thác được các giá trị công nghệ mang lại, hướng đến phát triển bền vững.

Đón đầu những thay đổi lớn

Có mặt tại Hội thảo, hơn 50 DN chế biến gỗ trong nước đều đồng tình và chia sẻ những bức xúc về mặt ứng dụng công nghệ. Để giảm áp lực về mặt lao động cũng như gia tăng chất lượng sản xuất, nhiều DN đã chuẩn bị ngân sách để đầu tư thiết bị mới, con số đầu tư, với DN có quy mô vừa, cũng có thể lên đến 50 tỷ đồng.

4 thách thức buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tư duy lại mô hình sản xuất, chế biến 3

Ông Lâm Chân Tinh, Quản lý dự án Công ty tổ chức Hội chợ quốc tế Chanchao cho biết, kỳ vọng cũng như điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, đặc biệt là ngành gỗ, khiến nhu cầu về công nghệ và các giải pháp tích hợp của DN Việt Nam cao hơn hẳn.

Đó cũng là lý do, những năm gần đây, VietnamWood, một triển lãm máy móc thiết bị phụ kiện phục vụ ngành gỗ liên tục mở rộng qui mô.

Tại VietnamWood 2019, thị trường chứng kiến sự hội tụ của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trong giới máy móc quốc tế. Có thể kể đến Homag, Weinig, Siempelkamp, SCM, Paolino Bacci, Nanxing, New Mas, Leadermac, Baillie, Northwest Hardwoods, Ducerf, Eurochene… đến từ Ý, Đức, Áo, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ… Chứng tỏ, Việt Nam đang rất hấp dẫn trong mắt các đơn vị sản xuất máy móc quốc tế.

Để giúp DN trong ngành có thể tư duy lại quy trình sản xuất sản xuất, các đại diện đến từ Homag, Weinig, SCM đã có những chia sẻ khá ấn tượng về xu hướng thị trường cũng như cách thức đầu tư. Đồng thời, mang đến những mô hình cụ thể, có thể ứng dụng hiệu quả với đặc thù sản xuất của DN Việt.

Ông Leslie Lye, Giám đốc kinh doanh Weinig cho biết, trong tương lai, thị trường đồ gỗ sẽ có những thay đổi đáng kể. Ví dụ, thay vì mua đồ nội thất được sản xuất với số lượng đại trà, hàng loạt, khách hàng ngày nay càng sẵn sàng cho việc chi tiền để mua những đồ nội thất được cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu của họ.

Chi phí sản xuất của những đồ nội thất tùy biến này đương nhiên phải có giá cả tương đương với các sản phẩm sản xuất hàng loạt mới có thể cạnh tranh. “Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất đồ nội thất sẽ cần phát triển một hệ thống để phục vụ cho việc thiết kế và quản lý sản xuất được cho các đơn hàng với các lô cá nhân hóa khác nhau”, ông tư vấn.

Theo đại diện Weinig, nhà sản xuất đồ nội thất sẽ cần phải thiết lập khả năng không chỉ sản xuất các sản phẩm đại trà mà còn với khả năng sản xuất đơn hàng nhỏ, lẻ một cách linh hoạt. Để có lợi nhuận, DN cần có một biểu đồ chính xác về quy trình sản xuất và các cách chuyển đổi sản xuất giữa các sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng.

4 thách thức buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tư duy lại mô hình sản xuất, chế biến 4

Nhưng vẫn phải tái đầu tư nhân lực

Theo ông Bernd Kahnert chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, nhà cung cấp các giải pháp tích hợp thế giới về sản xuất trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, không chỉ là chuyện tăng trưởng, đầu tư vào các giải pháp sản xuất thông minh để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cũng như chất lượng ngày càng cao hiện nay là yếu tố sống còn để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, Vấn đề lớn của DN Việt Nam không phải là công nghệ mà là nhân lực nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất. “Thực tế rất khó tìm được nhân lực có trình độ hiểu và có thể vận hành các thiết bị cho nhà máy. Đó là chưa kể, sự biến động đôi khi rất cao của nhân lực, gây rủi ro cho cả các công ty cũng như cho những đơn vị cung cấp máy móc”, ông Bernd Kahnert chia sẻ.

Hạn chế ấy đòi hỏi công tác chuẩn bị cho nguồn nhân lực ngành phải đến từ hai phía, hệ thống giáo dục lẫn DN. Theo ông Cao Duy Tâm, Giám đốc công ty Vetta, đơn vị đại diện cho SCM tại thị trường Việt Nam, để đạt đến doanh số 20 tỉ USD năm 2025, việc đào tạo lao động cho ngành chế biến gỗ Việt Nam là cấp thiết.

Hiện các trường Đại học tại Việt Nam cũng đã xây dựng khoa Chế biến gỗ (HAWA hợp tác với Đại học Sư phạm kỹ thuật) nhưng công tác này cần phát triển hơn nữa mới có thể tạo ra sự phát triển bền vững cho Ngành.

Ở phía còn lại, là trách nhiệm của DN trong việc tái đầu tư nhân lực hiện có. “Trong tương lai, những người thợ lành nghề, có thể sử dụng các hệ thống sản xuất tiên tiến sẽ ngày càng quan trọng. DN sẽ phải mất thời gian, tiền bạc và công sức để nâng cao trình độ cho người lao động, đạt đến mức có thể vận hành, duy trì và đổi mới các quy trình sản xuất rất phức tạp. Nếu chỉ đầu tư công nghệ mà quên chuẩn bị nhân lực, công tác này cũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, đại diện Homag nhấn mạnh.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

NHANHMUA.COM
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0