Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trong lúc dịch covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chị em đã chuyển dần sang đi chợ online.
Các nền tảng như Grab, Now, be, Loship đều nhảy vào lĩnh vực bán hàng thực phẩm qua ứng dụng, cho phép người dùng đi chợ số nhanh chóng và thanh toán cũng dễ dàng hơn.
Grab vừa tung dịch vụ GrabMart phục vụ người dân TP.HCM.
Mới đây nhất phải kể đến dịch vụ GrabMart được Grab tung ra tại TP.HCM, giúp người dân tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart.
Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.
Chi phí giao hàng được tính tương tự GrabExpress, tức 15.000 đồng/2km đầu, 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Phí thay đổi lộ trình là 5.000 đồng mỗi km thay đổi. Như vậy để mua hàng trên GrabMart trong quãng đường bán kính 2-5km thì người dùng phải trả phí giao hàng là 15.000-40.000 đồng.
Trước Grab, nhiều bên đã triển khai dịch vụ tương tự, như NowFresh, Now Mart (của Now/Foody), hay Be Đi Chợ (Be Shopping), Lomart (của Loship).
Các dịch vụ được cung cấp ở trên cũng khá tương tự với GrabMart, cho phép mua hàng hoá tiêu dùng. Trong đó, Loship và Now xây dựng được các đối tác chính thức tương tự GrabMart, phần còn lại là các cửa hàng mà tài xế sẽ đến để mua hộ chứ không phải đối tác được xác nhận.
Siêu thị giao hàng đến tận nhà nhanh chóng phục vụ người tiêu dùng mùa dịch.
Trước khi ra GrabMart, Grab cũng thử nghiệm giới hạn Grab Assistant, dịch vụ đi mua sắm hộ người dùng. Theo đó, người dùng có thể nhờ tài xế mua hộ các loại hàng hoá như thực phẩm, quần áo, hàng tiêu dùng,… tương tự như Be Shopping.
Ngoài Grab, Now cũng đã làm rất tốt khi cung cấp đầy đủ dịch vụ mua hộ như Now Mart hay Now Fresh, với lượng đối tác khá lớn. Ứng dụng này cũng xây dựng được đội ngũ đối tác có liên kết hệ thống để mua hàng tiện lợi hơn.
NowFresh ra đời từ năm 2018, cung cấp dịch vụ cho người dân thành thị ở TP.HCM và Hà Nội. Trả lời ICTnews, ông Yên Đào – Giám đốc Marketing, Foody – cho biết có sự gia tăng đơn hàng của NowFresh trong vòng hai năm triển khai dịch vụ.
Ngoài ra, bên cạnh hình thức trả tiền mặt khi nhận hàng, người dùng Now có thể thanh toán qua ví điện tử AirPay, thẻ tín dụng, thẻ ATM hoặc tài khoản ngân hàng online, giúp thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số cho nền kinh tế.
Bản thân các siêu thị lớn tại TP.HCM cũng đã cải thiện khá nhiều với dịch vụ giao hàng trong mùa dịch. Chị Thanh Hương, ngụ quận 7 cho biết, từ khi dịch covid-19 bùng phát, chị thử tải ứng dụng của siêu thị để mua hàng trực tuyến và cảm thấy vô cùng hài lòng.
“Chắc mình may mắn nên lần đi siêu thị online Lotte mart đầu tiên hàng được giao sớm hơn cả hẹn. Lotte mart giao hàng cho mình bằng xe có bảo quản lạnh đàng hoàng, giữ cho thực phẩm tươi sống. Nhân viên thân thiện, lịch sự nữa nên mình nghĩ các mẹ cứ ở yên trong nhà mà bỏ đồ vào giỏ từ điện thoại, đừng ra siêu thị chen chúc mùa dịch nữa”, chị Hương chia sẻ.
Trong khi đó, Saigon Co.op cũng bảo vệ khách hàng của mình bằng hình thức mua hàng từ xa, giao hàng tận nhà qua 4 bước đơn giản: Chọn cửa hàng thuộc hệ thống Saigon Co.op gần nhà (có danh sách in đẹp gởi tới từng nhà); Gọi điên, email, zalo, viber cho cửa hàng đó để liệt kê các món hàng muốn mua; Siêu thị liên hệ khách để giao hàng; Khách nhận hàng tại nhà, kiểm tra hàng và thanh toán.