NHANHMUA.COM

Amazon Global Selling giúp gì cho doanh nghiệp Việt Nam?

Amazon Global Selling là một chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon, giúp người Việt Nam thêm kênh bán hàng cho 300 triệu tài khoản người mua của Amazon.

Amazon Global Selling vừa chính thức ra mắt tại Việt Nam, có vai trò hỗ trợ và tạo điều kiện cho người Việt tiếp cận được với thị trường nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đây từng xuất hiện thông tin về việc Amazon sẽ tham chiến ở thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Tuy nhiên, việc Amazon Global Selling chính thức tổ chức ra mắt đội ngũ chuyên trách tại Việt Nam đã bác lại thông tin này.

Amazon Global Selling giúp gì cho doanh nghiệp Việt Nam? 1

Theo đó, đội ngũ Amazon Global Selling Việt Nam sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn liên quan đến việc bán hàng trên trang Amazon cho các doanh nghiệp tiềm năng bao gồm tạo danh sách mặt hàng hoặc dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA – Fulfillment by Amazon). Nói cách khác, Amazon Global Selling là đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu.

Đầu tháng 10 vừa qua, Amazon Singapore chính thức được thành lập. Như vậy, người bán hàng Việt Nam có thêm một lựa chọn thị trường quốc tế khác bên cạnh Amazon.com. Đồng thời, người bán hàng, chủ thương hiệu và nhà sản xuất sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Thông qua Amazon Global Selling, người bán hàng trên khắp thế giới có thể trực tiếp tiếp cận 300 triệu tài khoản người mua hàng, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime tại nhiều thị trường quốc tế của Amazon. Gần đây, Amazon đã ra mắt tại Singapore để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn sản phẩm từ địa phương và quốc tế trên Amazon và những người bán hàng tin cậy. Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ cho người bán hàng Việt Nam có mong muốn mở rộng kinh doanh và xây dựng thương hiệu tại thị trường mới này.

Trước đó, Amazon Global Selling và Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (Vietrade) đã lựa chọn 100 doanh nghiệp việt Nam tham gia chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com”.

Tại đây, các doanh nghiệp tiềm năng được lựa chọn để tham gia các buổi tập huấn kỹ năng, hỗ trợ và tư vấn chuyên sâu. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ phát triển thương hiệu và sản phẩm trong môi trường TMĐT thế giới. Kết quả thực tế cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam đặc biệt các sản phẩm dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ nhận được phản hồi tốt trên Amazon.

Đại diện Amazon Global Selling cho biết, tháng 12 tới, Amazon Global Selling sẽ tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh thương mại điện tử xuyên biên giới” lần đầu tiên và chào đón tất cả người bán hàng quan tâm tới lĩnh vực này. Tại đây, những người tham dự không chỉ có cơ hội tìm hiểu về TMĐT xuyên biên giới mà còn có thể kết nối và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người bán hàng thành công.

Có thể nói, Amazon Global Selling sẽ là cầu nối để doanh nghiệp đưa mặt hàng của mình tiếp cận đến 1 triệu khách hàng mới ở những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, EU. Đây là một cơ hội lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đồng thời phải đối mặt với không ít rủi ro.

Mạng lưới hậu cần của Amazon vô cùng mạnh mẽ. Một seller chỉ cần đăng ký đầy đủ dịch vụ, đăng tải thông tin hàng hóa lên Amazon và đợi người mua. Phương thức này cho phép seller dễ dàng đưa sản phẩm của mình tới bất cứ nơi nào trên thế giới.

Người bán có thể chọn một trong hai cách hoàn thành đơn hàng: tự giao hàng hoặc là sử dụng dịch vụ FBA của Amazon. Cước phí Amazon đưa ra sẽ dựa vào nhiều yếu tố như loại mặt hàng, kích cỡ unit, và phí trung bình khoảng 30% giá trị sản phẩm. Trong đó có khoảng 15% là chi phí đóng gói, vận chuyển tại thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thành công trong quy trình đưa hàng từ Việt Nam sang Amazon, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng vì xuất khẩu qua Amazon cũng tồn tại một vài rủi ro.

Tùy thuộc vào quốc gia, thời gian vận chuyển có thể rất lâu, đôi khi hàng hóa còn không gửi được. Do đó khách hàng có thể phản hồi hoặc đánh giá tiêu cực với seller (nếu không may seller có thể bị xóa tài khoản).

Một số rủi ro về giao hàng ở châu Âu đã được phản hồi về Amazon. Đôi khi hàng hóa đến quá sớm, trước thời gian khách hàng có thể nhận; trường hợp khác, hàng lại được chuyển cho hàng xóm khi người nhận không có nhà. Sản phẩm cũng có thể bị hỏng trong quá trình vận chuyển và được trả lại. Những rủi ro này ảnh hưởng tiêu cực đến cả lợi nhuận và uy tín của người bán.

Exit mobile version