Vào lúc 20h00 ngày 16/3/2019 tại Quảng Trường 10/3 Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra Bế mạc Lễ hội Cà phê lần thứ 7.
Với chủ đề “Đắk Lắk và những người bạn”, chương trình sẽ quy tụ nhiều không gian văn hóa truyền thống đặc sắc như cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Dân Ca Bài Chòi, Đờn ca tài tử Nam Bộ… với sự tham gia biểu diễn của hàng loạt nghệ nhân, nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, NSƯT Y Joel; Y Garia – Hoàng Uyên – Sally Q – Điểu Náp – Thái Bảo, nhạc sĩ Phương Phạm… và đặc biệt là tiết mục biểu diễn từ đại sứ của Lễ hội café 2019 – Hoa hậu H’Hen Niê.
Chương trình bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019 “Đắk Lắk và những người bạn” gồm hai phần “Đắk Lắk đẹp tươi” và “Đắk Lắk và những người bạn” sẽ không chỉ mang đến một góc nhìn mới mẻ vể vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người, văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà còn giới thiệu những thành tựu kinh tế, xã hội, đời sống của những người dân trên vùng đất này kể từ khi có sự xuất hiện và đóng góp của cây cà phê, của văn hóa cà phê.
Đây cũng là chương trình đầu tiên mà hàng loạt các di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận cùng hội tụ, biểu diễn.
Thạc sĩ- đạo diễn Hoàng Duẩn, 1 trong 2 tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Đây sẽ là một điểm nhấn của chương trình, người xem sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng lễ hội của “cồng chiêng Tây Nguyễn”, được trở về với những cung bậc tình cảm nhẹ nhàng khi làn điệu “dân ca quan họ Bắc Ninh” của các liền anh liền chị vang lên trên khung cảnh núi rừng, được trở về với không khí của mùa xuân chiến thắng Buôn Ma Thuột và mùa xuân Đắk Lắk hôm nay trong không khí hội hè của tiết tấu và giai điệu của “bài chòi”, được lắng mình trong những câu ca tiếng đờn của “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Toàn bộ các nghệ nhân, nghệ sĩ cho các tiết mục này điều được mời từ “gốc” tức là những nghệ nhân đã sinh ra tại những nơi đã sản sinh ra các loại hình nghệ thuật này.”
Đạo diễn Nghi Tuấn bật mí thêm: “Điểm khác biệt nữa của chương trình lần này đó chính là sự lan tỏa, kết nối của giá trị văn hóa và cây cà phê. Cà phê Đắk Lắk không chỉ mang lại đời sống sung túc cho người dân trên vùng đất này mà còn giúp cho thương hiệu cà phê Việt Nam vương ra thế giới. Chính vì vậy trong chương trình ngoài sự xuất hiện của các tầng lớp nhân dân các dân tộc sinh sống và làm việc trên mảnh đất này thì còn có sự xuất hiện của các em thiếu nhi trong các tiết mục được sắp như một điểm son cho sự lan tỏa, vươn xa, cho những đóng góp và sự trường tồn của cây cà phê cho hôm nay và tương lai. Đó còn là thông điệp chung của lễ hội lần này – Đắk Lắk điểm đến của cà phê thế giới”.