Qua ghi nhận, rất nhiều chặng bay trong nước đã hết vé hoặc còn lượng ít vé hạng thương gia giá cao chót vót. Trên các trang bán vé chính thức của các hãng hàng không, rất nhiều chặng bay về các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã “cạn” vé.
Cụ thể, chặng TP.HCM – Huế hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air khai thác 10 chuyến hiện thông báo đã hết vé 7/10 chuyến bay. Cùng chặng này Vietnam Airlines (VNA) khai thác 11 chuyến hiện đã hết 9/11 ghế hạng phổ thông, hạng thương gia còn khoảng 3-5 ghế mỗi chặng với mức giá gần 4,6 triệu đồng/người.
Chặng TP.HCM – Hà Nội ngày 28 Âm lịch (22/1) Vietnam Airlines chỉ còn khá ít ghế hạng phổ thông với mức giá từ 3,5 triệu đồng/người/chặng và 7,4 triệu đồng/người/chặng với giá vé hạng thương gia.
Giá vé từ TP.HCM – Huế hiện tại thấp là 2,5 triệu đồng, rơi vào các ngày cận tết như 28 – 29 Tết, giảm nhẹ vào ngày 30. Vé ngày mùng 6 trở đi ở chiều ngược lại cũng có giá tương ứng. Và tăng dần vào những ngày sau, từ 2,7 – 2,8 triệu đồng.
Tương tự, vé chặng TP.HCM – Hà Nội cao nhất là 3,6 triệu đồng những ngày cận tết và giảm xuống còn 2 – 3 triệu ngày 30 tết. Ở chiều ngược lại, giá vé khởi điểm 2,9 triệu đồng vào ngày 6 âm lịch và tăng dần vào những ngày tiếp theo.
Trước tình hình này, để tiết kiệm tiền vé cho chặng bay TP.HCM – Hà Nội trong dịp Tết, nhiều người chọn cách bay vòng qua Thái Lan bằng vé của hãng hàng không ngoại.
Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với các bạn đã có hộ chiếu, tính cách bạo dạn, muốn tiết kiệm tiền và có thể đánh đổi chút thời gian, công sức. Đặc biệt, vợ chồng trẻ mà có cá tính một chút thì có thể bay cách này, tiết kiệm được kha khá, lại có nhiều điều vui.
Chị Mai, ngụ quận 3, TP.HCM cho biết, hàng năm do công ty thường được nghỉ tết khá muộn, vào 27 – 28 Tết, nên giá vé phải trả cho cả gia đình bay về Hà Nội khá đắt đỏ.
Để giảm chi phí, gia đình chị chọn chặng bay đi/đến các nước trong khu vực đang có chương trình giảm giá. Chị Mai mua được vé từ TP.HCM đến Bangkok, từ Bangkok bay về Hà Nội vé chỉ 1 triệu đồng/người (chưa thuế phí). Trong đó, 700.000 đồng xuất phát từ TP.HCM đi Bangkok và 300.000 đồng từ Bangkok về lại Hà Nội trong ngày 22/1 tức 28 Âm lịch. Trong khi mua vé sớm bay trong nước mỗi người cũng mất hơn 3 triệu đồng.
“Phần còn lại là cách chọn khung giờ hợp lý của mỗi người, thường xuất phát từ TP.HCM sáng sớm đi Thái Lan, ở tại sân bay chờ khoảng vài giờ đồng hồ rồi bay chuyến chiều về lại Hà Nội, thời gian chờ đó có thể khấu hao cho việc máy bay delay hoặc những phát sinh khác”, chị Mai chia sẻ.
Cùng quan điểm, anh Phương, ngụ quận Tân Bình chia sẻ, khi lựa chọn bay vòng thay vì bay thẳng, khách hàng thậm chí có thể phải chấp nhận hành trình kéo dài 2-3 ngày, qua đêm tại sân bay hoặc chi trả thêm tiền khách sạn tại Bangkok. Tuy nhiên, do chênh lệch chi phí vé lên tới cả triệu, số tiền đủ để chi trả cho một chuyến đi chơi ngắn ngay tại điểm nối.
“Tôi chọn cách bay vòng không hẳn chỉ vì giá vé trong nước đắt đỏ, mà bởi vé bay thẳng bán quá nhỏ giọt trong những ngày này, trong khi mua ở nước ngoài sẽ dễ hơn. Năm trước tôi chỉ mua vé nối chuyến chiều từ TP.HCM về Hà Nội, nhưng năm nay có thể sẽ mua cho cả 2 chiều, nối chuyến tại Thái Lan và Malaysia”, anh Phương cho hay.
Tuy vậy, để tiết kiệm tối đa khi bay nối chuyến, các khách hàng vẫn chủ yếu sử dụng dịch vụ của những hãng hàng không giá rẻ nước ngoài, nên nguy cơ trễ, chậm chuyến có thể xảy ra. Ngay cả khi các hãng bay đúng giờ, thì vé giá tốt nhất cũng thường rơi vào các khung giờ đêm.
Kinh nghiệm dành cho người chọn cách bay vòng và mua vé AirAsia hai chặng là nên kiểm tra trước cả hai chặng, nếu đúng ý thì tiến hành đặt vé từng chặng theo hình thức thanh toán sau. Xong một chặng rồi mới làm tiếp chặng kia (tức là cả hai chặng hãy chọn hình thức thanh toán sau). Sau khi kiểm tra vé rồi thì mới tiến hành thanh toán thật, tránh rơi vào trường hợp đặt ngay một chặng bằng thẻ visa/master đến khi đặt chặng còn lại bị hết vé.