Các bà nội trợ rất nhạy bén với trào lưu kiếm tiền của thời cuộc. Và ưa chạy theo phong trào. Những phong trào chơi chứng khoán ồ ạt, đào bitcoine, tham gia cho vay lấy lãi cao … đều có mặt không ít bà nội trợ. Mà thậm chí gia đình chỉ biết khi họ đã bị mất hết tiền.
Lý do vì sao họ mất tiền? Đơn giản chỉ vì họ chỉ chạy theo đuôi người khác mà không hề có kiến thức về đầu tư cũng như hiểu biết rõ về công việc mà mình đang tham gia. Họ chính là những tay mơ nướng tiền cho những kẻ sành sỏi làm giàu.
Bạn rất có thể là một bà nội trợ như thế. Nhưng bạn có khi nào tự hỏi mình muốn thay đổi bản thân hay không? Mình sẽ tiếp tục chạy theo phong trào đầu tư và mất sạch tiền hay mình sẽ học hỏi thực sự để trở thành một bà nội trợ- nhà đầu tư thông minh?
Học để trở thành nhà đầu tư là một khái niệm không dễ dàng với một bà nội trợ. Nhất là khi ở trường, chúng ta chỉ được học làm sao cho giỏi , làm sao ra đường đi làm thuê chỗ nào tốt để có lương cao. Ở trường học hầu như không dạy chúng ta làm giàu, hay làm thế nào để đầu tư cho hiệu quả.
Cha mẹ chúng ta dạy chúng ta hãy tiết kiệm. Song chỉ là tiết kiệm trên các chi tiết nhỏ trong đời sống thường ngày. Cho tới khi con gái đi lấy chồng và chính thức trở thành bà chủ gia đình mới, hầu như các việc truyền dạy của cha mẹ đơn giản vô cùng. Tới mức không ai biết thiết lập một kế hoạch tài chính cho gia đình, biết cân đối thu chi, phân bổ nguồn tài chính cũng như tìm cách thực sự nâng cao tỷ lệ thu, giảm tỷ lệ chi một cách hợp lý.
Khi ra đời, chúng ta nghe theo bè bạn, người quen và cả những kẻ xa lạ dụ đầu tư vào món này, món kia, lĩnh vực này hay lĩnh vực khác… chỉ vì nó sinh lời cao. Nhưng không ai nói cho ta biết rằng sinh lời cao thì rủi ro cũng cực kỳ lớn cả. Và trong bất cứ lĩnh vực đầu tư sinh lời cao nào, kiến thức và kinh nghiệm cùng khả năng chịu đựng rủi ro là những yếu tố tối quan trọng giúp bạn hái ra tiền.
Vì thế nên muốn trở thành nhà đầu tư, các bà nội trợ nên bỏ thời gian ra để học hành cẩn thận. Mà có hai loại kiến thức sau đây cần học.
Một là cách thiết lập kế hoạch tài chính cho gia đình. Kế hoạch này gồm hai phần. Phần một là kế hoạch chi tiêu hàng tháng sao cho hợp lý , tiết kiệm. Chỉ có vậy thì bạn mới dư tiền để đầu tư. Chỉ nhìn vào bảng cân đối tài chính này, bạn sẽ thấy ra rất nhiều chi tiết quan trọng.
Ví dụ làm gì để giảm các chi phí bất hợp lý và làm gì để tăng nguồn thu…. Kế hoạch này không khó thiết lập. Song muốn tiết giảm các chi phí bất hợp lý thì cần trải nghiệm và kiến thức thông minh về thị trường, về các loại chất lượng hàng hóa, giá cả . cách tiết giảm chi phí điện nước, chi phí điện thoại .. hợp lý. Muốn tăng nguồn thu thì phải chịu khó cày thêm và nâng cao khả năng có thêm thu nhập.
Phần hai của kế hoạch này chính là kế hoạch đầu tư. Chính là kế hoạch khiến cho khoản tiền có dư từ kế hoạch chi tiêu hàng tháng của gia đình bạn sinh lời. Kế hoạch này sẽ bao gồm cách thức bỏ trứng vào nhiều giỏ. Có thể đầu tư vào tiết kiệm, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ quỹ mở, chứng khoán, trái phiếu, nhà cửa, hàng hóa. Nhưng điều kiện tiên quyết là bạn đầu tư gì thì phải hiểu về nó kỹ càng và chấp nhận cả mặt trái và mặt phải của loại hình đầu tư đó.
Từ thiết lập kế hoạch trên giấy cho tới thực hành để thực thi kế hoạch đó một cách hiệu quả … là cả một vấn đề. Song chỉ khi nào các bạn thực sự muốn trở thành bà nội trợ kiêm nhà đầu tư thông minh thì bạn mới thành công. Nếu không thì bạn cũng như nhiều người cả đời chỉ sống trong một việc, đó là đấu tranh với vấn đề tiền bạc, như một quả lắc lăn qua lăn lại giữa thiếu hụt, nợ nần và thua lỗ .
Nguyễn Anh Thi