NHANHMUA.COM

Loạn sản phẩm và giấy chứng nhận kháng khuẩn

Ăn theo đại dịch COVID-19, nhiều nơi rao bán các sản phẩm có khả năng kháng khuẩn, trưng ra nhiều loại giấy chứng nhận kháng khuẩn để tạo niềm tin với khách hàng. Nhưng theo các chuyên gia, các sản phẩm kháng khuẩn này không có khả năng kháng khuẩn như quảng cáo.

Đủ loại sản phẩm kháng khuẩn phòng thân

Dạo một vòng facebook sẽ thấy rất nhiều chị em đang rao bán đủ loại bút và túi đeo được cho có khả năng diệt virus corona, nhập từ Nhật Bản. Sở dĩ có công dụng thần kỳ là do các sản phẩm này phát ra hợp chất clo. Khi sử dụng chỉ cần đeo ở cổ, cài vào quần áo, ba lô và phát huy tác dụng trong suốt nhiều tháng.

Nhiều lời quảng cáo lập tức thuyết phục chị em muốn phòng ngừa cho người thân trong gia đình như: phụ huynh bên Nhật đều cho trẻ sử dụng bút hoặc túi đeo này trong suốt mùa dịch, sản phẩm của viện nghiên cứu Taiko nên rất uy tín; người dân Trung Quốc đều sang Nhật để săn lùng các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cho người thân…

Loạn sản phẩm và giấy chứng nhận kháng khuẩn 1 Công ty May Nhà Bè khẳng định không bán sản phẩm khẩu trang trên mạng, kể cả trên website hệ thống cửa hàng. Song hiện nhiều Facebook cá nhân đang rao bán khẩu trang này. 

Không những vậy, nhiều sản phẩm khác cũng ăn theo và tự gắn cho mình “mác” kháng khuẩn, từ khẩu trang, khăn giấy, khăn ướt cho đến khăn mặt. Trong đó, loạn nhất chính là mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn, có thể tái sử dụng tới 30 lần và giá rất rẻ chỉ 5.000 – 7.000 đồng/chiếc.

Hầu hết các điểm bán đều khẳng định làm từ vải kháng khuẩn chất lượng, do tìm được nguồn hàng tốt nên bán giá rẻ hỗ trợ người dân trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó một vị giám đốc công ty Cổ phần may Nhà Bè và một số công ty thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, giá thành xuất xưởng đã là 10.000 đồng/sản phẩm, không có chuyện may từ vải kháng khuẩn mà lại có giá rẻ hơn.

Riêng về các sản phẩm bút và túi đeo phát ra khí clo được cho là có khả năng ngừa virus corona, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, về nguyên tắc thì không có sản phẩm nào có thể ngừa được virus. Cơ quan quản lý thị trường cần vào cuộc để xử lý hành vi buôn bán các sản phẩm quảng cáo gây ngộ nhân với người tiêu dùng.

Còn theo các chuyên gia, clo là một chất oxy hóa rất mạnh, khi tác dụng với nước tạo thành hợp chất axit hypocloro – một chất có khử trùng mạnh. Chính vì vậy, người ta thường sử dụng clo để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong nước. Song theo tiến sĩ Phan Thế Đồng, clo chỉ phát huy tác dụng tốt trong môi trường nước, phát ra dạng khí trong sản phẩm bút và túi đeo thì hầu như không có công dụng.

Loạn về các giấy chứng nhận khẩu trang

Trước thị trường khẩu trang thật giả lẫn lộn, người bán thường trưng ra đủ loại giấy xác nhận sản phẩm đạt chất lượng, xác nhận kháng khuẩn. Nhưng theo tìm hiểu thì các giấy này rất loạn, có nhiều khả năng là giấy chứng nhận giả.

Chẳng hạn, trên mạng xã hội Facebook, một điểm rao bán thương hiệu khẩu trang Golden Health với giá 285.000 đồng/hộp nhưng giấy chứng nhận mà điểm này cung cấp cho chúng tôi lại có nhãn hiệu là Gold Health của công ty TNHH thương mại và phát triển An Bình (tỉnh Phú Thọ) thay vì Golden Health. Khi chúng tôi phát hiện ra điểm bất thường này thì điểm bán lý giải Gold Health và Golden Health là một.

Giấy chứng nhận mà điểm bán giới thiệu là của công ty May Nhà Bè nhưng giám đốc công ty này khẳng định không phải.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi thì Golden Health là nhãn hiệu khẩu trang của công ty Công ty cổ phần GoGreen (quận Bình Thạnh, TPHCM). Tiếp tục thắc mắc thì điểm bán này lập tức chặn Facebook của phóng viên. Rõ ràng, với giấy chứng nhận trên, người mua đọc không kỹ sẽ không thể phát hiện ra vì cả hai thương hiệu có tên rất giống nhau. Tìm hiểu thêm thì chúng tôi lại không tìm thấy nhãn hiệu khẩu trang nào có tên Gold Health trên thị trường.

Mặc dù công ty Cổ phần May Nhà Bè công bố thông tin: mỗi khách hàng chỉ được mua 5 khẩu trực tiếp trang tại cửa hàng và công ty không bán sản phẩm qua mạng. Song hiện trên mạng lại đầy rẫy địa chỉ Facebook rao bán khẩu trang vải kháng khuẩn của thương hiệu này.

Thậm chí còn trưng ra giấy chứng nhận chỉ tiêu kháng khuẩn được cho là của công ty May Nhà Bè, trong khi đó, tên công ty in trên giấy lại là công ty TNHH MTV Dệt Kim Đông Phương. Và kết quả phân tích mẫu vải từ năm 2019.

Được biết, công ty Dệt Kim Đông Phương chỉ là cung cấp vải kháng khuẩn cho tập đoàn dệt may Việt Nam, trong đó có công ty May Nhà Bè. Có lẽ vì vậy mà các điểm bán lấy giấy chứng nhận này để chứng minh thêm về sản phẩm mà mình bán.

Do đó, trước một thị trường hỗn loạn hiện nay, khách hàng cần tỉnh táo trước ma trận sản phẩm ăn theo không rõ nguồn gốc trên mạng để không phải mất tiền oan uổng, đồng thời đó cũng là cách bảo vệ sức khỏe của chính mình.

 

Exit mobile version