Thời gian qua, việc thu hồi tương ớt Chin-Su tại Nhật do chứa chất bảo quản acid benzoic đã gây lo lắng cho người tiêu dùng Việt. Nhiều người thắc mắc, tại sao nước ngoài cấm mà nước ta vẫn sử dụng được. Ngoài acid benzoic, hiện còn rất nhiều chất bảo quản, phụ gia thực phẩm nước ngoài cấm mà nước ta vẫn vô tư sử dụng.
ThS. Trần Trọng Vũ – giảng viên khoa công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghệ Sài Gòn cho biết, một số phẩm màu được phép sử dụng tại Việt Nam những đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và một số nước cấm sử dụng từ lâu.
Ví dụ, phẩm màu Brilliant blue FCF (sử dụng trong sữa, mứt, thạch, tương ớt, quả ngâm đường, rau củ đóng hộp, đóng chai, kẹo cao su…), erythrosine ( thịt gia cầm qua chế biến, mứt, thạch, mứt quả, kem trái cây, trái cây đóng hộp hoặc chai), allura red AC (viên xúp, đồ gia vị, mù tạt, bánh, thực phẩm chế biến sẵn), tartrazine (ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, xúp, bột nước giải khát, bánh kẹo…
Rất nhiều chất bảo quản, phụ gia thực phẩm nước ngoài cấm mà nước ta vẫn vô tư sử dụng.
Sử dụng phẩm màu tổng hợp trong thời gian lâu dài, vượt mức cho phép sẽ có hại cho sức khỏe. Tại Mỹ đã làm các cuộc nghiên cứu trên động vật thì thấy gây u não, ung thư bang quang, tuyến giáp, khối u ở thận và tuyến thượng thận.
Cách đây không lâu, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vừa mới ban hành cấm sử dụng 7 phụ gia thực phẩm gồm benzophenone, ethyl acrylate, eugenyl methyl ether, myrcene, pulegone, pyridine, styrene. Đây là các chất phụ gia được thường sử dụng để tạo ra hương vị giống với hương vị tự nhiên và được sử dụng phổ biến trong các loại thực phẩm nước uống, kẹo, kem có vị bạc hà, cam quýt, quế và các hương vị khác. Nguyên nhân ban hành lệnh cấm vì phát hiện các loại phụ gia này gây ung thư cho hai loại động vật được dùng để làm thí nghiệm.
Hay mới đây, Pháp thông báo sẽ chính thức cấm sử dụng titanium dioxide (màu nhân tạo E171) từ năm 2020 sau khi nhiều nghiên cứu chỉ ra loại chất này có thể gây hại sức khỏe người dùng. Lâu nay, titanium dioxide vẫn được sử dụng rộng rãi như chất làm trắng trong kẹo ngọt, kẹo cao su, xốt kem, kem phủ trên bánh… Nó cũng được sử dụng nhiều trong các loại kem chống nắng nhờ có khả năng chống lại tia cực tím. Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chưa hề có một cảnh báo nào về loại phẩm màu này.
Có thể thấy rằng, hiện nay, việc lạm dụng phụ gia thực phẩm đang ở mức báo động vì giá thành rẻ, đáp ứng đúng tâm lý người mua vì thích màu sắc bắt mắt, ngon. Tại các chợ, quán ăn, không khó để bắt gặp các loại thực phẩm như bánh da lợn, bánh bò, rau câu, xôi, chè, cóc tai, gà quay, vịt quay… có màu xanh đỏ, tím, vàng trông không hề tự nhiên.
Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm đang được người bán, nhà sản xuất né các cụm từ này, thay vào đó là ghi bằng tên hóa học khiến người tiêu dùng rất khó lựa chọn thực phẩm theo yêu cầu riêng của mình. Chẳng hạn như sản phẩm thạch rau câu, thành phần chỉ ghi chung chung hàng loạt các số ký tự như 1412, 452i, 249… và người tiêu dùng không thể hình dung đây là chất gì.
Việc lạm dụng phụ gia thực phẩm đang ở mức báo động vì giá thành rẻ, đáp ứng đúng tâm lý người mua vì thích màu sắc bắt mắt, ngon.
Trong khi đó, nguồn gốc của các loại phẩm màu, phụ gia được bán tại nước ta vô cùng nhập nhằng, đa phần được nhập theo đường tiểu ngạch (90%), rất ít sản phẩm chính ngạch (10%). Bằng chứng là tìm mua các loại phẩm màu tại các chợ truyền thống, sản phẩm không hề có nhãn mác, thông tin cơ sở nhập khẩu hoặc sản xuất; một số loại chỉ ghi chung chung: phụ gia thực phẩm, hạn sử dụng 3 – 5 năm.
Việc ghi nhãn trên các loại phụ gia cũng lập lờ khiến người sử dụng ngộ nhận rằng sản phẩm an toàn hoặc tự nhiên. Chẳng hạn, theo Nghị định 43/2017/CP về ghi nhãn hàng hóa, chỉ có định nghĩa “tự nhiên” hoặc “tổng hợp” nhưng chỉ dành cho hương tự nhiên/màu tự nhiên, hương tổng hợp/màu tổng hợp. Nhưng có một không ít sản phẩm là chất bảo quản nhưng lại sử dụng cụm từ “chất bảo quản tự nhiên” để lừa người tiêu dùng rằng sản phẩm chứa thành phần từ thiên nhiên.
Thông tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, lực lượng chức năng phát hiện ngày càng nhiều chất phụ gia mới, nhiều loại có độ độc cao, chuyên dùng để tẩm ướp thực phẩm đã phân hủy thành thực phẩm tươi sống, tẩy mùi thối, giữ màu; các loại hương liệu dùng để sản xuất nước mắm, nước chấm, pha chế đồ uống giải khát và đồ uống có cồn.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay, đó là vô số phụ gia thực phẩm cấm sử dụng như chất tạo vị ngọt Aspartame, chất bảo quản sodium nitrite, hydrogen peroxide, chất béo tổng hợp olestra, đường hóa học, chất làm tăng mùi vị monosodium glutamate… được nhập lậu vào nội địa nhưng đã thay đổi tên gọi, xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng. Nhiều sản phẩm gói gia vị nấu lẩu Trung Quốc các loại, dùng thay thế cho nước dùng hầm xương nấu lẩu có độ độc cao.
Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia cho thấy, có hơn 70% mẫu gia vị nấu lẩu của Trung Quốc được bày bán ngay trên thị trường có pha trộn nhiều hóa chất, hương liệu, phẩm màu. Một số loại phụ gia còn chứa các kim loại nặng như thạch tím, chì… gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và tiêu hóa, dẫn tới nguy cơ rối loạn về thần kinh và bệnh ung thư.
Các cơ quan chức năng nước ngoài đã vào cuộc từ rất lâu, nên chăng đã đến lúc cơ quan chức năng nước ta cần tăng cường kiểm soát, quản lý chặt việc kinh doanh, mua bán, sử dụng các loại phụ gia thực phẩm hiện nay. Làm sao để người tiêu dùng khi ăn thực phẩm không phải nươm nướp đọc nhãn sản phẩm xem chứa chất gì hoặc lo lắng không biết thực phẩm mình đang ăn có an toàn hay không?