“Boom hàng” – thuật ngữ rất thường thấy dạo gần đây trên mạng xã hội, hàm ý chỉ những đơn hàng đã được đặt và giao đến tận nơi, nhưng khách lại không muốn nhận hàng hoặc “lặn mất tăm” khiến nhiều chủ bán hàng online phải khóc ròng.
Gần đây, hình ảnh anh chàng shipper Grabfood buồn bã bên cạnh 20 ly trà sữa bị boom hàng đã lan truyền khắp mạng xã hội. Theo đơn hàng order hơn 1 triệu đồng và người mua đã từ chối nhận hàng, anh chàng shipper chỉ còn cách mang 20 ly trà sữa trả về tổng đài, vừa mất thời gian vừa mất thêm một khoản tiền.
Gần như bất kỳ người bán hàng online nào cũng gặp phải ít ca “boom hàng” dở khóc dở cười.
Khách đặt xong lặn
Anh Hồng Minh, nhà tại quận 5 kinh doanh hủ tiếu xào tại nhà. Để quảng bá cho quán mình thêm đắt khách, anh thường post lời rao lên facebook. Cách đây vài tháng, có một người bạn online inbox và đặt hàng 20 phần hủ tiếu xào giao đến tận nhà. Do có kết bạn với nhau trên facebook, nên anh Minh chuẩn bị đúng số lượng khách cần.
“Mình mang hàng đến tận nơi và gọi điện sau khi đổ chuông vài hồi thì điện thoại không liên lạc được. Chưa dừng lại ở đó, mình inbox vào facebook thì bị chặn hẳn nick mình” – anh Minh đau buồn kể lại. Anh chỉ còn cách mang 20 phần hủ tiếu xào về quán và tự rút cho bản thân bài học bán hàng online đau đớn.
Là du học sinh sống và học tập tại Hàn Quốc được 4 năm qua, mới đây bạn Ngọc Quỳnh tập tành bán hàng online một số món mỹ phẩm, bánh kèo ship từ Hàn về. Tuy chỉ kinh doanh chưa tròn 3 tháng nhưng Ngọc Quỳnh dính phải vài vụ “boom hàng” đau thương.
“Có một chị khách là bạn của bạn mình, tụi mình có add facebook chung. Do mình cũng đề phòng bị boom hàng nên lúc đầu chỉ bán cho bạn bè thân quen. Tuy nhiên, chị khách này hay comment và like ảnh mình xưa nay, nên mình không đề phòng. Chị có đặt bộ mỹ phẩm giá hơn 2 triệu đồng, mình không nhận tiền trước và không lấy cọc. Khi hàng về Việt Nam, shipper gọi điện lấy hàng thì chị đó không nhận hàng và lúc mình liên lạc lại chị ấy cũng không thèm trả lời tin nhắn” – Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Có lẽ bởi vì món hàng giá trị nên vị khách đã thay đổi chủ ý, và Quỳnh đành để dành món hàng đó và tìm người mua khác.
Hoa hậu doanh nhân “boom hàng”
Anh S.P có thâm nhiên nhiền năm chuyên nhận các dự án truyền thông cho người nổi tiếng trong showbiz. Với các mối quan hệ trong lĩnh vực giải trí khi anh mở shop quần áo bán đồ lót và nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ bạn bè. Shop ra mắt chỉ tròn 1 tháng thì anh cũng dính phải quả “boom hàng” đến từ một hoa hậu doanh nhân tên T.M.D.
Anh S.P chia sẻ: “Mình thật không hiểu nổi, với danh hoa hậu mà lại đi boom đơn hàng chẳng đáng là bao. Do quá bức xúc nên mình đã lên facebook chỉ thẳng tên cô ấy, để những ai đang làm việc với bạn ấy thì né ra”. Bài post về vụ hoa hậu “boom hàng” của anh S.P nhận được khá nhiều commnet đồng tình và ủng hộ cách anh công khai danh tính vị khách hàng kỳ lạ.
Việc “boom hàng” không chỉ gây nên cảm giác bực tức mà còn làm mất thời gian, công sức của người bán hàng. Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhìn nhận: “Ai cũng phải kiếm sống, mỗi người mỗi cách. Việc đưa nồi cơm của kẻ khác ra để đùa giỡn rồi hất đổ nó, chỉ có là kẻ độc ác mà thôi. Mà ghê sợ hơn nữa, những kẻ đó tự xem hành động của mình là bình thường, thản nhiên như không có gì vậy.”
Trần Ngọc