NHANHMUA.COM

Saffron có phải là thần dược chữa bệnh ung thư?

Thời gian qua, nhiều chị em đua nhau bỏ số tiền đắt đỏ để mua Saffron (còn gọi là nhụy hoa nghệ tây) về uống với mục đích ngăn ngừa ung thư. Vậy thực hư công dụng của loại nhụy hoa này có như lời đồn?

Chỉ cần gõ từ khóa “saffron” trên Google trong vòng 0,51 giây đã hiện ra 75 triệu kết quả, trong đó phần lớn là địa chỉ bài viết giới thiệu về công dụng của loại sản phẩm này.

Hiện Saffron được rao bán trên trang thương mại điện tử Tiki.vn với giá 1.750.000đ/hộp 5g. Còn trên thị trường thì sản phẩm này đang được bán với nhiều giá, có nơi rao bán 450.000đ/1g nhưng có nơi rao bán chỉ có giá 250.000đ/1g.Saffron có phải là thần dược chữa bệnh ung thư? 1

Theo người bán giới thiệu thì hiện Saffron có đến 7 loại, tùy mỗi loại mà giá khác nhau. Chẳng hạn, Saffron Salam có giá 450.000đ/1g; Saffron Shyam giá 350.000đ/1g; Saffron Bahraman, Jahan, Saharkhiz, Badiee cùng có giá 250.000đ/1g; Saffron Edman có giá 320.000đ/1g. \Tính ra, mỗi kg Saffron có giá từ 250 – 450 triệu đồng.

Ngoài công dụng chống oxy hóa, tiêu diệt các gốc tự do, làm trắng, chống nắng, làm giảm viêm, giảm vết ban đỏ, làm lành vết thương, giúp an thần, san phẩm còn hỗ trợ giúp ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như Alzheimer, trầm cảm, đặc biệt là ung thư.

Trước những lời quảng cáo về công dụng tuyệt vời của Saffron, nhiều người đang mắc bệnh ung thư hoặc chưa mắc bệnh đều tìm mọi cách để mua sản phẩm này về uống dù chưa rõ thực hư công dụng.

PGS. TS. Nguyễn Phương Dung – Trưởng khoa Y Học Cổ Truyền, ĐY Dược TP.HCM cho biết, Saffron có tên khoa học là Crocus sativus L, là thực vật một lá mầm thuộc họ Diên Vĩ (Iridaceae), có nguồn gốc từ vùng Tây Nam Á và mọc hoang dại ở nơi có khí hậu nhiệt đới khô như Iran, Ấn Độ, Hy Lạp, Morocco, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập… Saffron được sử dụng trong chế biến thực phẩm và đông y. Nhụy hoa Saffron có giá trị kinh tế cao do chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. So với các loại sản phẩm khác thì Saffron đặc biệt giàu vitamin như riboflavin (vitamin B2), thiamine (vitamin B1).

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA và Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết thêm, đã có nhiều nghiên cứu về công dụng của saffron trong điều trị bệnh, tập trung ở các bệnh lý như trầm cảm, Alzheimer, Parkinson, tiểu đường và cả ung thư. Trong số đó các thử nghiệm lâm sàng chủ yếu ở bệnh trầm cảm, Alzheimer và Parkinson.

Hiện chưa có nghiên thử nghiệm lâm sàng nào đánh giá hiệu quả điều trị của Saffron trong ung thư và tiểu đường mà chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá tác động của Saffron trên các dòng tế bào ung thư, động vật) cho thấy chiết xuất saffron hoặc các hợp chất chính của nó có thể ức chế tế bào ung thư.

Các nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy chiết xuất Saffron khi được bôi ngoài da hoặc qua đường uống/tiêm tĩnh mạch cho thấy có tác dụng chống ung thư, khả năng cải thiện cấu trúc của da trên ung thư biểu mô da.

Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất nước Saffron và crocetin ức chế quá trình phát triển của ung thư dạ dày trên chuột. Ngoài ra, Saffron có thể gây chết tế bào theo chương trình ở ung thư đại trực tràng, tuyến tụy và ung thư bàng quang.

Riêng công dụng của Saffron với tiểu đường, khó có thể khẳng định Saffron sẽ có tác dụng cho các bệnh nhân tiểu đường vì các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế.

“Mặc dù Saffron cho thấy hiệu quả trong điều trị ung thư và bệnh tiểu đường ở các dòng tế bào và chuột nhưng vẫn cần phải được nghiên cứu thêm. Hơn nữa, chưa có một kết luận chắn chắn nào về việc hiệu quả chữa trị của saffron lên bệnh lý ung thư và tiểu đường ở người.

Do đó, tác dụng của Saffron được nêu ra ở trên và những lời quảng cáo chỉ mang tác dụng tham khảo, việc điều trị cần sử dụng thuốc hoặc các phương pháp dựa trên chỉ định của bác sĩ. Không nên xem Saffron là một loại thần dược chữa được bách bệnh. Mong là những bệnh nhân có kinh tế hạn hẹp không cần phải lo khi không đủ tiền để chạy theo trào lưu Saffron này” – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version