Các trang thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay mọc lên như nấm sau mưa. vấn đề là, hàng hóa bán trên các trang này vô số là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Hàng hiệu giá rẻ bèo
Dạo một vòng, dễ bắt gặp nhiều sản phẩm quảng cáo là thương hiệu nổi tiếng như khi nhìn giá bán thì giật mình, chỉ vài trăm nghìn đồng; trong khi giá của sản phẩm hàng tha65tle6n đến vài triệu đồng. Đơn cử như mẫu đồng hồ Michael Kors, giá bán trên trang Lazada chỉ chưa đến 400.000 đồng/sản phẩm, hay mẫu giày Adidas trên Sendo bán chỉ tầm khoảng hơn 300.000 đồng.
Không chỉ bán hàng nhái, các trang TMĐT còn là nơi bán sản phẩm có chất lượng không tương xứng, khác xa với thực tế. Không biết bao nhiêu người đã phải ngậm ngùi chán nản vì sản phẩm giao đến tay khác nhau “một trời một vực” với hình ảnh đăng tải trên trang web. Chất lượng sản phẩm khác xa, thậm chí rất tệ nên cuối cùng phải bỏ đi, “tiền mất tật mang”.
Nhan nhản hàng nhái trên trang Shoppe
Nhận xét về tình trạng bát nháo trên các sàn TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) – nhận định, TMĐT tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà bán lẻ nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng các đối tượng làm ăn gian dối hoặc các doanh nghiệp “ma” sử dụng mạng để rao bán các sản phẩm có giá trị lớn như iPhone, iPad, laptop… nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc thì trốn hoặc giao sản phẩm kém chất lượng.
Có những doanh nghiệp giao hàng lỗi, không đúng yêu cầu nhưng giải quyết chậm trễ hoặc giải quyết không dứt điểm khiếu nại của người tiêu dùng.
Theo Báo cáo thường niên năm 2017 vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố, trong năm 2017, Tổng đài miễn phí về tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận có 5.660 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 3.066 cuộc gọi. Trong đó có hơn 1.000 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhiều nhất trong số đó là phản ánh về hàng hoá tiêu dùng thường ngày; điện thoại, viễn thông; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; đồ điện tử gia dụng.
Năm 2017, Lazada nằm trong nhóm doanh nghiệp bị khiếu nại nhiều nhất.
Lazada là một trong số doanh nghiệp bị khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ nhiều nhất trong năm qua, chủ yếu là phản ánh Lazada chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm,… gây tâm lý bức xúc cho người tiêu dùng.
Quản không xuể
Hiện nay, tình hình trang bán hàng online mọc lên quá nhiều khiến cho chuyện bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên các sàn TMĐT tại Việt Nam trở thành chuyện bình thường, xử lý không hết.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, sở dĩ thực trạng này vẫn tồn tại là do Nhà nước quản lý lỏng lẽo đối tượng quảng cáo, kinh doanh trên các trang TMĐT, sàn online và các trang mạng xã hội. Người bán dễ dàng tạo tài khoản trên sàn TMĐT để kinh doanh, không cần phải có giấy phép kinh doanh, không phải trả phí cho các trang TMĐT, bán gì và đăng thông tin như thế nào tùy vào người bán.
Bên cạnh đó, hầu như nội dung quảng cáo đều do người bán tự chủ động thực hiện và quản lý, miễn sao bán được hàng. Đây là điều vô lý, không phù hợp với Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Luật Thương mại nhưng không thấy ai phạt, xử lý.
Thậm chí, cơ quan chức năng từng thực hiện việc kiểm tra nhưng không mấy hiệu quả vì lực lượng mỏng, trong khi các chủ cửa hàng chỉ đăng ký kinh doanh trên mạng, không có kho hàng, trụ sở.
Trong bối cảnh nền kinh tế bùng nổ như hiện nay, thiết nghĩ nhà nước cần nhanh chóng có những quy định để quản lý tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên nhiều trang TMĐT để người mua có thể yên tâm hơn về chất lượng.