Khi dịch Covid kéo dài suốt 2 năm, F&B là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích ứng linh hoạt, tận dụng chuyển đổi số để “mở đường” cho hoạt động kinh doanh, tiến đến tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp F&B cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng trong 2 năm dịch 2020 – 2021. Mãi đến quý 1 năm 2022, thị trường F&B mới thực sự hồi phục trở lại. Theo số liệu thống kê ngành F&B qua nền tảng thanh toán Payoo tính đến hết quý 1/2022, doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi so với Quý 4/2021. Tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước đó.
Dự kiến trong quý 2, ngành F&B sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nhờ 2 nguyên nhân:
- Một là, nhiều tỉnh thành khống chế thành công dịch bệnh và tâm lý người dân ổn định sau thời gian dài giãn cách nên họ đã mạnh dạn đi ăn ngoài hơn trước.
- Hai là, nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ, ngành du lịch đã bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách nội địa ước đạt 26,1 triệu lượt người trong 3 tháng đầu năm. Kéo theo đó, F&B – một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi nhờ du lịch cũng nhanh chóng nhộn nhịp trở lại. Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 1/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 4/2021.
->> Xem thêm: FamilyMart cho thanh toán QR Code tại cửa hàng
Trong hội thảo về Thực phẩm và đồ uống được tổ chức mới đây, Mastercard đã chia sẻ khảo sát “Chỉ số thanh toán mới 2021″ của họ, trong đó 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy việc tiếp cận các hình thức thanh toán mới nổi của họ đã tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có đến 88% đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái. Có tới 2/3 số người được khảo sát, trong đó có 75% thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1981 – 1996), chia sẻ rằng họ đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng mình sẽ không sử dụng nếu không có đại dịch.
Ở Việt Nam, theo số liệu được thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là Thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85 %, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%. Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) có xu hướng tăng cao. Quý 1/2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33.5% theo giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4/2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch. Trong khi đó, con số này ở Quý 4/2021 lần lượt là 27% và 28%.
->> Xem thêm: Mastercard và Payoo triển khai ưu đãi lớn kích cầu hậu dịch
Hiện tại, Payoo phối hợp với đối tác Mastercard triển khai ưu đãi tại nhiều cửa hàng F&B nhằm khuyến khích khách hàng trải nghiệm hình thức thanh toán mới phù hợp hơn trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn còn tồn tại, giúp người dân hạn chế tiếp xúc, doanh nghiệp xử lý nhanh gọn, đơn giản hóa quá trình thanh toán của khách hàng. Đơn cử, khách hàng khi thanh toán bằng hình thức không tiếp xúc với thẻ Mastercard được nhận ngay evoucher 30.000đ cho đơn hàng từ 200.000đ tại Highlands Coffee, và được giảm ngay 15%, tối đa 150.000đ tại Jollibee và Califresh.
Do các yêu cầu về thanh toán điện tử tại quầy tăng cao, Payoo cũng đã tích cực kết nối để triển khai giải pháp chấp nhận mọi thanh toán tại các đối tác mới là Haidilao, Jollibee và Highlands Coffee, Gongcha,… Theo đó, tại hơn 400 cửa hàng của Highlands Coffee trên toàn quốc và các cửa hàng Jollibee, Gongcha, Haidilao,… khách hàng có thể thanh toán bằng bất kỳ phương thức thanh toán nào: Thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR của hơn 40 ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên thị trường, và cả các phương thức thanh toán mới nổi như thanh toán không tiếp xúc.