Ship “lụi” ám chỉ việc người mua không đặt hàng nhưng vẫn nhận được hàng giao đến và yêu cầu thanh toán.
Chị M.N ngụ quận 2, TP.HCM cho biết đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 300.000 đồng từ đơn vị chuyển phát Giao hàng tiết kiệm. Ở mục người gửi ghi “Shopee”. Đáng chú ý, gia đình chị M.N không hề đặt đơn hàng này, nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác.
“Gói hàng này do người giúp việc nhận giúp vì thông tin rất chính xác. Do nhà tôi đông người nên khi có đơn hàng giao đến thường chủ động nhận vì nghĩ có một ai đó trong nhà đã đặt”, chị M.N chia sẻ.
Có thể thấy, sự phát triển của thương mại điện tử đã kéo theo sự phát triển của ngành nghề giao hàng. Càng về sau, hoạt động giao hàng càng sinh ra nhiều biến tướng. Nhiều shipper tự ý báo giá món hàng cao hơn hóa đơn của cửa hàng để cố tình lừa những người mua online thường xuyên mà không nhớ hết giá trị từng món hàng. Nếu bị phát hiện, họ đơn giản chỉ trả lời là ship nhiều quá nên bị nhầm.
Nhưng đáng báo động hơn cả là tình trạng ship “lụi” bất ngờ gia tăng số lượng lẫn độ tinh vi trong thời gian ngắn gần đây. Ship “lụi” thường nhắm vào người thường xuyên mua onlin, không có nhà để nhận hàng mà người nhà sẽ nhận hộ. Mà người nhà đa phần thường không biết người thân của mình có đặt hàng hay không, phí bao nhiêu mà chỉ căn cứ theo báo giá của shipper rồi thanh toán, nhận hàng.
Càng về sau, hoạt động giao hàng càng sinh ra nhiều biến tướng. Ảnh minh họa.
Hơn thế, các đơn hàng này thường có gía trị thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng trở lại. Thế nên người nhà cứ thế nhận, thậm chí còn không check lại thông tin với người thân, không mở ra kiểm tra xem đó hàng gì. Chỉ chờ có thế, chỉ cần thực hiện trót lọt vài chục cuộc ship “lụi” như thế, shipper đã có thể đút túi vài triệu đồng một cách đơn giản.
Kẻ gian biết được thông tin giao hàng như: địa chỉ, tên, số điện thoại người nhận, shop bán, chi tiết về món hàng và giá cả món hàng nên đã chủ động đến giao hàng trước khi shipper của shop đến giao. Với những thông tin chính xác như vậy, kẻ gian dễ dàng chiếm đoạt tiền thanh toán cho món hàng có giá trị cao của khổ chủ. Theo lời kể của facebook Đ.H, anh có đặt mua 4 hộp thuốc của shop online khá uy tín trên Instagram và đã bị kẻ gian lợi dụng mánh khóe này lừa mất 4 triệu đồng.
Hay mới đây nhất, trên diễn đàn Otofun.net có chia sẻ câu chuyện của nick Ngọc Mai 2611 về việc bị lừa khi mua hàng qua ứng dụng Shopee và đơn vị vận chuyển là giao hàng nhanh. Kẻ gian đã biết thông tin sớm nên đã đến trước shipper của giao hàng nhanh và đã lừa thành công số tiền 5.069.000 đồng.
Rõ ràng, nhóm lừa đảo này khá am hiểu về thói quen mua sắm của người mua, các mặt hàng thường được mua ở một số cửa hàng đông khách. Trong quá trình theo dõi, kẻ gian cũng nắm bắt được thông tin người mua, chi tiết giá trị đơn hàng, thời điểm, đặc điểm giao nhận và “ra tay” sớm hơn cả các đơn vị giao hàng.
Câu hỏi đặt ra, vậy thông tin của người mua hàng đã bị lộ ra từ đâu? Có thực tế là cả người mua lẫn cửa hàng đều không chú trọng đúng mức về bảo mật thông tin cá nhân. Dễ thấy nhất là việc người mua hàng thường vứt bao bì gói hàng có đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại ra ngoài để kẻ gian có thể đọc được biết sở thích mua sắm online của người mua hàng.
Đối với cửa hàng, quy trình chọn lựa shipper và bảo mật thông tin khách hàng cũng hết sức sơ sài khiến thông tin dễ bị lộ. Một số kẻ gian lợi dụng việc này đến cửa hàng nhận ship. Tuy nhiên, sau khi lấy được thông tin khách hàng, shipper chủ động xin hủy ship vì có việc đột xuất. Cửa hàng đồng ý chuyển cho shiper khác thì cũng là lúc shiper này nhanh chân ship cho khách hàng mà bản thân đã lấy được thông tin, thực hiện phi vụ lừa đảo hết sức đơn giản.
Không chỉ người mua mất tiền, các cửa hàng sẽ bị mất uy tín lớn vì không sâu sát trong việc giữ thông tin và kiểm tra kỹ đối tác giao hàng cho mình. Vì lẽ đó, trước hết các cửa hàng cần kiểm tra lại đội ngũ và đơn vị giao hàng mình lựa chọn. Không dễ dàng chọn shipper lạ. Bảo mật thông tin khách hàng ngay tại tại cửa, không in nhiều phiếu giao hàng rồi để lọt ra ngoài, tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng sơ hở.
Với cá nhân người mua hàng, cần cẩn trọng khi nhận hàng. Chủ động mở gói hàng kiểm tra trước khi thanh toán. Bảo mật thông tin bằng cách xé, hủy các thông tin giao hàng sau khi mở hộp, không để kẻ xấu đọc được thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại trên bao bì gói hàng đã nhận.
Thông báo về thủ đoạn ship “lụi” cho người thân để tránh bị lợi dụng. Dù món hàng có giá trị thấp cũng cương quyết không nhận nếu nếu nắm rõ thông tin đã mua hàng của người thân.