Trong vài năm tới, chúng ta sẽ ăn thịt nhân tạo mà theo các chuyên gia là an toàn hơn cho con người.
Liên hiệp xí nghiệp chế biến thực phẩm Ochakovo mới đây cho biết, các nhà khoa học Nga đã thành công trong việc tạo ra thịt nhân tạo trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tới năm 2023, số thịt này sẽ xuất hiện trên các sạp thịt ở Nga.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là một sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng phương pháp truyền thống (giết mổ để lấy thịt), mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm.
Ở đây, không nên nhầm lẫn thịt trong ống nghiệm với thịt giả, vì thịt giả là một thực phẩm chay được sản xuất từ protein thực vật (thường là từ đậu nành hay gluten). Các thuật ngữ “thịt tổng hợp” và “thịt nhân tạo” cũng được dùng để ám chỉ cả hai loại thịt giả và thịt trong ống nghiệm.
Hiện nay, đã có một số dự án được triển khai nhằm phát triển công nghệ nuôi thịt ống nghiệm, mặc dù loại thịt này chưa được sản xuất đại trà nhằm phổ cập cho người tiêu dùng. Vào năm 2008, một số nhà khoa học tuyên bố rằng công nghệ sản xuất thịt trong ống nghiệm đã sẵn sàng cho việc sản xuất thương mại và hiện chỉ còn chờ các công ty bỏ vốn việc dự án sản xuất này.
Các loại thịt đầu tiên trồng thành công trong phòng thí nghiệm bao gồm thịt cá vàng và thịt cừu. Các nhà khoa học tại Đại học Maastricht đã lên kế hoạch sản xuất xúc xích vào tháng 3/2012 và bánh hamburger sử dụng thịt nhận tạo vào tháng 9/2012. Chi phí nuôi loại thịt nhân tạo hiện vẫn còn rất tốn kém, tuy nhiên theo các dự đoán chi phí có thể sẽ được giảm xuống còn bằng khoảng hai lần thịt thông thường.
Các sản phẩm thịt trong ống nghiệm thế hệ đầu tiên nhiều khả năng sẽ là thịt lát, và mục tiêu lâu dài là phát triển công nghệ nuôi thịt sao cho có thể tạo ra một bắp thịt hoàn chỉnh. Có khả năng, mô cơ của bất kỳ động vật nào, kể cả con người cũng có thể được nuôi cấy bằng công nghệ này.
Với việc giá sản phẩm thịt của kỹ thuật chăn nuôi thông thường không ngừng gia tăng và nhu cầu thịt càng lúc càng tăng (do dân số thế giới tăng nhanh – đó cũng là yếu tố làm tăng giá lương thực thế giới), công nghệ nuôi thịt trong ống nghiệm có thể là một trong một số công nghệ mới cần thiết để duy trì nguồn cung cấp thực phẩm vào năm 2050.
Việc sản xuất thịt theo công nghệ thông thường có thể trở nên quá tốn kém cho người tiêu dùng có thu nhập trung bình. Còn giá thịt trong ống nghiệm sẽ tách rời khỏi giá ngũ cốc vì nuôi loại thịt này không cần phải cung cấp ngũ cốc cho “vật nuôi” như nuôi thịt thông thường.