Việc uống nước dừa sau khi đi nắng hoặc đối với một số trường hợp, nước dừa chưa hẳn đã lành như mọi người nghĩ.
Vào những ngày nắng nóng, nước dừa được xem là loại nước uống được nhiều người chọn giải khát và bổ sung nước. Một số trường hợp khác thì chọn nước dừa để giảm cân, thanh lọc cơ thể. Việc uống nước dừa sau khi đi nắng hoặc đối với một số trường hợp, nước dừa chưa hẳn đã lành như mọi người nghĩ.
Lâu nay, dừa được xem là thức uống mọi lúc mọi nơi và có giá khá mềm, lại thêm không lo độc hại bị tẩm hóa chất, nên dừa tươi vẫn là loại giải nhiệt lành mạnh và bổ dưỡng đang được ưa chuộng. Nhiều chị em còn rỉ tai “uống nước dừa đẹp trong, đẹp ngoài” nên uống nhiều dừa để người mát mẻ và đẹp da.
Trong Đông y, nước dừa có chứa kali và các khoáng chất nên có tác dụng bổ sung nước cho cơ thể. Uống một cốc nước dừa mỗi ngày giảm nguy cơ bất thường của đường tiêu hoá. Ngoài ra, do chứa nhiều kali, canxi, clo nên giúp cơ thể có thêm năng lượng.
Tuy nhiên, có những trường hợp dùng nước dừa không đúng cách sẽ hại nhiều hơn lợi.
Mới đây, chị Ngọc Liên, ngụ Q.Bình Tân phải đến bác sĩ trong trạng thái tim đập nhanh, chóng mặt và được chẩn đoán bị trúng gió.
Chị Liên kể, khi vừa đi ngoài nắng nóng về, chị uống một trái dừa tươi thì lập tức có cảm giác đau quặn bụng như đau dạ dày, khoảng 1 giờ sau thì thấy đau toàn thân, người ớn lạnh, mệt mỏi hơn, tim đập nhanh và đầu quay quay. Chị nhờ người thân cạo gió thì người toàn gió hột nhưng tình trạng mệt mỏi không bớt. Trước đó không lâu, khi cơ thể đang khoẻ mạnh, chị Liên cũng uống nước dừa lúc đang đi ngoài nắng và vẫn bị tình trạng trên.
=>> Xem thêm: Cách chăm sóc da bằng nha đam tươi hiệu quả
Thật ra, cảm giác như bị say nắng, trúng gió khi uống nước dừa lúc mệt, lúc đang đi ngoài nắng thì không hiếm người gặp như chị Liên. Bởi nước dừa tuy rất tốt cho sức khỏe bởi có nhiều khoáng chất và điện giải, bù nước rất tốt cho cơ thể, nhất là vào mùa nắng nóng hoặc sử dụng để thanh lọc cơ thể.
Tuy nhiên, đối với những người bị âm hư (dấu hiệu khô môi, da khô, mệt mỏi, đánh trống ngực, tim đập nhanh) khi uống nước dừa sẽ dẽ bị nhiễm thấp hàn. Vì vậy, với đối tượng này khi đi ngoài nắng nóng, mệt có thể bị say nắng, trúng nắng (trúng thử), mà uống thêm nước dừa (nhiễm thấp hàn) nên dễ làm rối loạn chứa năng bình thường của cơ thể gây ra các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, sốt hâm hấp hoặc sốt cao.
Có khá nhiều quan niệm sai lầm trong dùng nước dừa. Như lâu nay, nhiều người vẫn truyền miệng: bà bầu uống nước dừa rất tốt cho sức khỏe, vì vừa giúp nước ối sạch, không bị cạn, vừa giúp con sinh ra sau này trắng trẻo, xinh đẹp. Do đó, có không ít bà bầu xem nước dừa như “nước uống thần thánh” nên một ngày uống 3-4 trái.
Trong khi đó, theo Đông y, những người mang thai, nhất là ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ), không nên uống nước dừa, vì nước dừa có tính hàn, có thể gây sảy thai. 3 tháng giữa và cuối có thể uống, nhưng với lượng vừa phải, không nên uống nước dừa thay nước lọc hàng ngày.
=>> Xem thêm: Kinh nghiệm chọn mua dầu cá tốt nhất
Hay với trẻ con vào mùa nóng, nhiều phụ huynh sợ con bị thiếu nước và nóng trong người nên hay cho con uống nước mát, trong đó có cả nước dừa – mà không biết rằng, nước mát, nước dừa gây lợi tiểu nên lạm dụng nước mát dễ khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến người mệt mỏi, bứt rứt và tình trạng mất nước nặng có thể hôn mê.
Tương tự, người già cũng không được uống nhiều hơn 2 trái dừa mỗi ngày, bởi có thể khiến các cụ đi tiểu đêm, gây mất ngủ và người mệt mỏi.
Thường gặp nhất là nhiều người sử dụng nước dừa để giảm cân. Nước dừa là một chất điện phân tự nhiên giúp tăng cường sự trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, người ta dùng nước dừa để giảm cân cho những người béo phì. Tuy nhiên, không ít người lạm dụng uống 2 – 3 trái/ngày và uống liên tục trong nhiều ngày. Cách sử dụng không khoa học này dẫn đến rối loạn tiêu hoá.
Vì vậy, bổ sung nước mùa nóng là việc cần thiết, tuy nhiên không nên lạm dụng các loại nước mát, giải nhiệt. Chỉ nên uống nước dừa dưới hai trái/ngày và không nên uống lúc mệt hay vừa đi ngoài nắng nóng.
Những người có thể tạng thuộc âm: da xanh tái, bắp thịt mềm nhão, mát, tay chân lạnh, ăn uống chậm tiêu, ăn ít, ít khát nước, thích uống ấm, dễ bị tiêu chảy, phân mềm, người nặng, bải hoải, chậm chạp… Hoặc bị bệnh trĩ, huyết áp thấp… thì không nên dùng nước dừa.
BS Huỳnh Tấn Vũ- Giảng viên khoa Y học cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM