Mục lục
Mới đây, bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân T.TM.N (22 tuổi, ngụ Bình Dương) trong tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, chức năng thận suy. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chị N. đã uống thực phẩm chức năng (TPCN) giảm cân.
# Tai biến do TPCN giảm cân ngày càng nhiều
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Lọc máu – Nội thận, Bệnh viện Bình Dân, cho biết: Độ lọc cầu thận của bệnh nhân rất thấp, kèm theo rối loạn điện giải đe dọa tính mạng. Bệnh viện đã tích cực cấp cứu để cứu tính mạng cô gái trẻ vượt qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, chức năng thận của chị N. đã không hồi phục do tổn thương vĩnh viễn. Hiện chị N. phải đến bệnh viện lọc máu định kỳ 3 lần/tuần.
TPCN chứa chất cấm bán tràn lan trên thị trường
Theo lời kể của chị N., do ám ảnh cân nặng của mình (cao 1,5m, nặng 60 ký) nên chị N. quyết định mua TPCN giảm cân về uống. Chị N. đã mua 250 viên thuốc với giá 500.000đ, người bán quảng cáo đó là thuốc thảo dược, uống vào không chỉ giảm cân mà còn đẹp da. Thời gian đầu dùng thuốc, chị N. đi tiểu rất nhiều nên giảm được 6 ký. Tuy nhiên sau đó chị N. thường xuyên mệt mỏi, không ngủ được, cơ thể không còn chút sức lực.
“Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị tai biến do sử dụng TPCN giảm cân, trong đó gặp nhiều nhất là suy thận. So với trước đây, tỷ lệ tai biến do dùng TPCN giảm cân xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều trường hợp may mắn đã được điều trị kịp thời, chức năng thận thận khôi phục, người bệnh đã trở lại với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, có 3 trường hợp người bệnh có tổn thương thận không hồi phục, hiện phải định kỳ khám và theo dõi, lọc máu” – bác sĩ Lê Thị Đan Thùy cho biết.
TPCN chứa chất cấm bán tràn lan, không ai xử lý
Trong năm 2008, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành cuộc điều tra và phát hiện 28 nhãn hiệu thuốc giảm cân đang lưu hành trên thị trường chứa các chất độc hại Sibutramine, fenproporex, fluoxetine, bumetanide, furosemide, rimonabant, cetilistat, phenytoin, phenolphthalein.
Đây là những chất bị cấm lưu hành trong các sản phẩm thương mại ở Mỹ do những tác hại xấu đặc biệt ở những người bệnh về tim mạch, huyết áp, thận và mật.
Giảm cân bằng thực phẩm chức năng, thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đến năm 2013 con số này tăng lên 72 nhãn hiệu. Đến nay FDA đã phát hiện 102 nhãn hiệu và theo cảnh báo đây chưa phải là con số cuối cùng vì trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm cân mà FDA chưa kiểm tra hết.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều TPCN giảm cân phát hiện chứa chất cấm vẫn bán tràn lan tại nước ta. Chẳng hạn, TPCN Best Slim từng bị FDA cấm lưu hành và buộc phải thu hồi tại Mỹ vì chứa chất cấm nguy hiểm Sibutramine có thể gây nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe nhưng hiện vẫn nằm chiễm chệ tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, sản phảm Go Lean Detox do công ty TNHH Mat Xi S.G (số 129 đường Võ Thị Sáu, KP7, phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) sản xuất bị cơ quan Khoa học y tế Singapore thu giữ do có chứa chất cấm sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore.
Sau đó không lâu, vào ngày 16/11/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành quyết định thu hồi sản phẩm giảm cân Go Lean Detox do chứa sibutramine. Mặc dù sau đó từng nhiều lần bị xử phạt, thu hồi nhưng hiện sản phẩm này vẫn đang “khuấy đảo” thị trường, nhiều chị em vẫn rần rần tìm mua về sử dụng.
Ngoài ra, Go Lean Detox còn bị cơ quan chức năng Đài Loan đưa ra lệnh cấm nhập vì chứa chất cấm. Trong danh sách cấm nhập vào đất nước này còn có sản phẩm Trà thảo mộc giảm cân Vy&Tea do công ty TNHH một thành viên dịch vụ – thương mại Hà Vy Havyco (số 45 QL14, Tổ 1, thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) sản xuất; Weight Loss của công ty Mat Xi S.G; Trà giảm cân Cường Anh của công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Cường Anh Authentic (tầng 4, số 696 phố Quang Trung, P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội). Cũng giống như trên, các sản phẩm này vẫn đang bán đầy rẫy tại Việt Nam.
Sở dĩ vẫn tồn tại thực trạng trên là do cơ quan chức năng vẫn làm việc theo kiểu bắt cóc bỏ dĩa. Sản phẩm bị thu hồi chỉ vài lô, mức xử phạt chỉ vài chục triệu đồng, quá nhẹ so với lợi nhuận thu về. Hơn hết chính là tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng mà sản phẩm đã gây ra.
Hoàng Hải
Comments
0 comments