Xăng tăng giá liên tục gây hiệu ứng “domino” 

Giá xăng đã tăng 3 lần chỉ trong hơn 3 tháng, thêm 3.000 đồng/lít so với đầu năm 2019. Giá điện cũng tăng thêm 8,3%.

Doanh nghiệp gồng mình giữ giá

Theo các doanh nghiệp chia sẻ, họ đang phải gồng mình lời ít đi để giữ giá sản phẩm không tăng. “Hàng may mặc Việt trước nay đã ế, phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Thái Lan, Trung Quốc, nếu chúng tôi tăng giá thì còn ai mua sản phẩm” – Ông Lý Thành Sinh, tổng giám đốc công ty may thêu Minh Long Hưng khổ sở nói.

Mặc dù các doanh nghiệp khẳng định sẽ tìm mọi cách để không tăng giá thành sản phẩm. Song theo khảo sát chúng tôi, hiện đã có không ít mặt hàng đã rục rịch tăng giá. Không ít bà nội trợ đang thấm đòn vì các mức chi tiêu “nhảy cóc”.

Chị Thu ngụ quận 7, TP.HCM cho biết, giá thịt, rau củ tại chợ đã tăng từ đầu tháng Tư. Trước đây, khoảng 100.000 đồng là chị có thể lo bữa ăn cho gia đình 4 người. Song, vài tuần trở lại, mỗi lần đi chợ, vẫn mua những món ấy nhưng chị phải chi thêm vài chục ngàn đồng.Xăng tăng giá liên tục gây hiệu ứng “domino”  1

Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá theo giá xăng, điện.

“Một bó rau tầm 5.000 đồng nay lên 7.000 đồng/bó. Rau ngon như đọt su, đọt bí thì 15.000 đồng mới đủ ăn một bữa. Còn cá thì tăng giá ít nhất 5.000 đồng/kg so với trước đây. Người bán bảo giá vận chuyển tăng nên chi phí cũng đội lên”, chị than thở.

Anh Phạm Văn Linh – công ty TNHH MTV Hoài Linh, nhà phân phối nhu yếu phẩm đến người tiêu dùng cho biết, công ty có hẳn chiếc xe tải chở hàng đến tận cửa hàng để tiếp thị, giao hàng. Sản phẩm công ty phân phối chủ yếu có nguồn gốc ngoài Hà Nội nên quá trình vận chuyển rất xa. Nhà phân phối chính từ công ty khác đến công ty Hoài Linh đã chủ động tăng giá vài ngàn đồng/sản phẩm. Sau đó, hàng từ công ty Hoài Linh phải vận chuyển bằng xe tải đến từng cửa hàng vùng ven nên buộc công ty Hoài Linh tiếp tục tăng giá thành sản phẩm để khấu hao vào tiền xăng dầu.

“Nếu không tăng giá thì chúng tôi không lời. Còn tăng giá thì người dân không mua. Ở vùng quê, chỉ cần lít dầu ăn tăng giá thêm 1.000đ cũng làm người tiêu dùng dè dặt. Tôi đang tính đến chuyện cầm nhà vay tiền ngân hàng để có vốn tiếp tục làm nhà phân phối vì nếu không làm không biết chuyển sang công việc gì” – Anh Linh than thở.

Gánh nặng đè lên vai người thu nhập thấp

Từ khi giá xăng dầu liên tục tăng đến nay, cuộc sống của người lao động tại các khu công nghiệp bị xáo trộn, ảnh hưởng nặng nề.

Xăng tăng giá liên tục gây hiệu ứng “domino”  2

Xăng, điện tăng giá gây ra sóng tăng giá đè nặng người có thu nhập thấp

Nhiều công ty đã tìm cách cắt giảm nhiều chi phí trong sinh hoạt hàng ngày để bù đắp sang chi phí xăng dầu vận chuyển. Một nữ công nhân tại công ty sản xuất dụng cụ làm móng (H.Hóc Môn) cho biết, trước đây tại khu làm việc của chị lắp đặt 11 cây quạt máy, công ty cho phép công nhân đem thêm quạt máy cá nhân nếu có nhu cầu.

Sau khi xăng dầu tăng giá, công ty cắt bớt 9 cây quạt, còn lại 3 cây; cấm luôn công nhân đem quạt máy cá nhân vào vì lý do tốn điện. “Mỗi khu khoảng vài trăm công nhân nhưng chỉ vỏn vẹn 3 cây quạt. Vào những ngày thời tiết oi bức, ai cũng bực bội, khó chịu” – Nữ công nhân này nói.

Trước tình hình xăng dầu tăng giá, buộc doanh nghiệp phải chọn 1 trong hai giải pháp: tăng giá thành sản phẩm; giữ nguyên giá và chịu giảm tiền lời. Trong bối cảnh hàng gian, hàng giả tràn ngập, nếu chọn giải pháp một, người tiêu dùng sẽ càng quay lưng với sản phẩm trong nước. Còn nếu chọn giải pháp hai, liệu doanh nghiệp có trụ nổi để tái đầu tư hay bỏ luôn nghề?

Thực tế đã có không ít doanh nghiệp lớn mạnh nay phải thu nhỏ quy mô sản xuất để tiết kiệm chi phí chỉ vì không trụ nổi trước giá xăng dầu, giá điện, giá thuế liên tục tăng trong thời gian qua. Chẳng hạn, công ty K.N có tiếng trên thương trường ở lĩnh vực sản xuất kềm.

Xăng tăng giá liên tục gây hiệu ứng “domino”  3

Các doanh nghiệp vận chuyển cũng “than trời” vì giá xăng tăng.

Trước đây công ty có hai chi nhánh tại H.Hóc Môn và H.Củ Chi (TP.HCM), nhưng sau một thời gian mọi thứ đều tăng giá, doanh nghiệp này trụ không nổi nên quyết định sáp nhập chi nhánh tại Hóc Môn vào chi nhánh Củ Chi. “Không chỉ công ty ảnh hưởng, một khi sáp nhập, nhiều công nhân đang sống tại các quận trung tâm đành bỏ nghề vì điều kiện đi lại quá xa” – một công nhân tại công ty này than thở.

Theo ông Lý Thành Sinh – tổng giám đốc công ty may thêu Minh Long Hưng, sản xuất mà không có lời khiến nhà sản xuất đâm ra nản. Lúc này sẽ sinh ra hai tiêu cực. Thứ nhất, nhà sản xuất sẽ tìm cách giảm chất lượng sản phẩm. Ví dụ, một cái áo được nhuộm bằng màu an toàn thì nhà sản xuất có thể nhuộm bằng màu rẻ hơn để giảm giá thành.

Thứ hai, nhà sản xuất sẽ không sản xuất ra sản phẩm mà nhập từ nước khác về rồi gắn mác hàng của công ty. Điều này hiện xảy ra không ít, nhưng có thể sắp tới sẽ nhiều hơn. Kết quả chỉ có người dân chịu khổ.

 

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

NHANHMUA.COM
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0