Những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi mua thực phẩm online trên mạng trong mùa dịch

Việc hạn chế ra đường, nguồn cung thực phẩm không đủ đáp ứng đã khiến nhiều chị em đau đầu vì không tìm được nơi mua. Các nhóm họp chợ online đang là nơi cuốn hút cả người bán lẫn người mua. Từ đây, những câu chuyện “cười ra nước mắt” đã xảy ra.

Ổ bánh mì giá 5 ngàn đồng bé bằng 3 ngón tay

Trong tình hình mua bán thực phẩm bị hạn chế bởi quy định phòng chống dịch, các group cư dân quận lập ra đã đáp ứng ngay lập tức nhu cầu cả người bán lẫn người mua. Các thành viên tham gia khá đông đúc, hoạt động rất sôi nổi. Đơn hàng nhiều đến nỗi người bán chốt đơn không xuể, chuyện bỏ sót đơn hàng hay chậm trả lời là chuyện rất phổ biến. Nhưng mùa dịch mà, người mua cũng hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, rất nhiều người bán thiếu cái tâm trong kinh doanh khiến không ít người mua vô cùng bức xúc.Những câu chuyện "cười ra nước mắt" khi mua thực phẩm online trên mạng trong mùa dịch 1

Trong nhóm Tôi là dân quận 7, chị Tiên cho biết, từ khi mua hàng online mùa dịch này chị bị hai lần nhận hàng không đúng ý nhưng vẫn trả tiền nhận hàng không khiếu nại vì đang mùa dịch không có cách nào khác.

“Người bán rao hàng cam 25.000 đồng/kg nhưng khi mình nhận thì trái nhỏ như trái chanh. Chanh loại bé ấy chứ không phải chanh không hạt to to trong siêu thị mình thấy đâu. Rồi đến bánh mì, giá 1 ổ là 5.000 đồng nhưng nhìn buồn ghê gớm. Ngang ba ngón tay, dài gấp đôi ngón tay, mỗi người ăn loáng 5 cái hết 25.000 đồng vẫn không no luôn. Người bán có bảo size mini nhưng mình cũng không nghĩ là nó bé như thế mà bán 5.000 đồng. Cộng thêm tiền ship thành ra mỗi ổ giá 7.000 đồng luôn. Thôi nhận hàng ngậm ngùi và không có lần sau”.

Câu chuyện của chị Tiên nhận được hàng loạt bình luận đồng cảm từ các thành viên trong nhóm. Chị H.Phương cho biết cũng đặt mua bánh mì người bán rao là size nhỏ, nhưng lúc nhận thì phải gọi là bánh mì mini và có giá lên đến 45.000 đồng/ 6 bánh.

“Thật tình mình thấy bức xúc. Mình biết trong mùa dịch giá cả và việc giao nhận cũng khó khăn nhưng mà như thế thì quá đáng lắm”, chị H. Phương nói.

->> Xem thêm: Những dịch vụ đi chợ online giữa mùa dịch covid-19 chị em cần biết

Nhiều người cũng gặp cảnh dở khóc dở cười khi đặt hàng, lúc nhận mới bật ngửa vì hàng nhận khác xa hàng rao.

Chị Bình, ngụ Quận 7 kể: “Mình mua 3kg búp măng của 1 bạn bên khu Himlam, giá là 87.000 đồng đến khi nhận lại được cây măng dài cả mét, chặt bỏ gần 1/2 cây vì xơ, nhắn báo lại thì người bán không trả lời. Chưa hết, mình mua rau muống, rau nhút của một bạn nói là mẹ gửi lên, lúc nhận rau dài cả sải tay, lại vàng úa. Mình góp ý bạn nhắc người quê cắt rau non vừa ăn rồi tính giá cao hơn chút cũng được, đỡ tiếc công người vận chuyển xa thì người bán bảo “chẳng ai chê có mỗi chị chê. Bạn em gửi lên sao em bán vậy”. Thật là hết nói nổi”.

Những câu chuyện "cười ra nước mắt" khi mua thực phẩm online trên mạng trong mùa dịch 2

Câu chuyện của tài khoản Hồ Cầm chia sẻ cũng là tình trạng chung hiện nay cho việc người mua phải nhận những món hàng không đúng giá trị thật, phải nhận trong ngậm ngùi: “Mình thấy quảng cáo là bưởi da xanh, người bán chụp hình rõ là đẹp vậy mà giao trái bưởi thấy ghê. Mà mẹ ơi trái bưởi cứ như bưởi bị hái non ý, chua lè chua lét lại khô khốc không ăn nổi còn thua bưởi 5 roi. Bơ thì giao đã bị dập hư mấy trái, lúc bổ ra trái chín thì bên trong cũng bị hư thêm mấy trái nữa, mấy trái chưa chín thì cứng ngắt hư luôn không chiụ chín, chuối laba thì tệ hơn chuối già sống xanh lè đen thui đến hồi để chín thì nó hư luôn không ăn được phải bỏ đi. Đó là chưa kể phải đợi 2 ngày mới nhận được hàng chứ không đúng hẹn như đã nói mà cũng im ru luôn. Mình chờ hoài không thấy, nhắn hỏi thì người bán mới bảo xe hàng chưa lên, dịch bệnh mình cũng thôi thông cảm nhưng điều nói với khách 1 tiếng khỏi đợi vẫn ok hơn chứ. Nói chung bán hàng thấy nản, mua 1 lần không dám mua nữa luôn”.

Chuyển khoản trước, lúc nhận là hàng kém chất lượng 

Không kể hết những phàn nàn của các thành viên trong các nhóm dân ở các quận tại TP.HCM. Lợi dụng dịch bệnh, nhiều người bán tranh thủ kiếm tiền bất chấp vì biết người mua cần có thực phẩm.

->> Xem thêm: Những điều cần biết về xuyên tâm liên – thảo dược hỗ trợ điều trị Covid-19

Anh Hồng Vinh, ngụ Quận 4 cho biết, vì biết người mua cần nên người bán đặt ra yêu cầu chuyển khoản trước mới giao hàng. Sau khi chuyển khoản xong thì cứ sốt ruột chờ, đến khi giao hàng tới thì đúng của ôi. Như trường hợp một tài khoản ngụ đường Tôn Đản, Quận 4 rao bán hải sản tươi ngon, trong đó tôm thẻ 25 con/ kg có giá bán 160.000 đồng. Khách mua chuyển khoản trước để đảm bảo nhận hàng. Nhưng khi nhận hàng không tươi ngon như người bán quảng cáo. Khách đã chuyển tiền rồi muốn lấy tiền lại cũng khó khăn vì lúc này khách nằm ở thế yếu.

Những câu chuyện "cười ra nước mắt" khi mua thực phẩm online trên mạng trong mùa dịch 3

Chị T., ngụ quận 7 cho biết: Mình chuyển khoản trước 10 kg cam cho người bán vì thấy hình đăng ngon lắm. Mà mình cũng chát hỏi kỹ trước khi đặt hàng rồi yên tâm đợi vì nghĩ cam thì có gì mà phải lừa nhau. Mình cũng biết là không quen thì không nên chuyển khoản trước, nhưng trong cảnh dịch bệnh này mình cũng không muốn tiếp xúc với shipper giao hàng. Chuyển khoản trước, họ giao đến để ở cổng rồi mình ra lấy thôi. Ai ngờ cam thì bé xíu, vắt ra nước chua khỏi nói luôn”.

Còn rất nhiều câu chuyện mua hàng mùa dịch như bún tươi bị chua, chả lụa có mùi, tô bò kho giá 40.000 đồng mà nước là chính còn thịt chỉ mang tính minh họa, nhận đơn không giao cũng không báo… Điều đó cho thấy tại thời điểm này khách hàng không còn là thượng đế nữa. Việc người dân e ngại khi ra đường, bị hạn chế số lần đi mua thực phẩm, hay nguồn thực phẩm ngày một khan hiếm đã khiến nhiều người khổ sở sục sạo khắp cõi mang để tìm mua hàng.

Cũng vì tâm lý giờ chỉ mong có được thực phẩm, tâm lý không kén cá chọn canh lẫn dễ dàng thông cảm hơn cho người bán trong mùa dịch đã tạo cơ hội cho không ít người bán kinh doanh không uy tín. Lẽ ra trong mùa dịch, đời sống khó khăn, người bán chỉ cần kinh doanh ngay thẳng, có sao nói vậy và trân trọng từng đơn hàng thì ý nghĩa biết bao. Đằng này người bán không có tâm bảo sao người mua không có ý kiến. Mua hàng một lần không dám mua lần sau, qua dịch rồi còn ai đặt niềm tin vào người bán này nữa? Kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì” làm sao bền được?

 

 

 

 

 

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

NHANHMUA.COM
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0